CEOTOUR – Tour du lịch trọn gói giá tốt, uy tín, chat lượng

Đi tìm an yên nơi chốn bồng lai Địa Tạng Phi Lai tự

Đăng ngày 05 Tháng Mười, 2021 bởi admin
Chỉ cách thủ đô Hà Nội chừng 70km với một tiếng di chuyển trên xe, chùa Địa Tạng Phi Lai tự Hà Nam thực sự là chốn dừng chân an yên, cho những ai muốn tìm đến góc tĩnh tâm đầy thanh tịnh.
Đi tìm an yên nơi Địa Tạng Phi lai tự
Đi tìm an yên nơi Địa Tạng Phi lai tự
Chủ nhân của bộ ảnh ‘Một chốn bình yên Địa Tạng Phi Lai tự’ chia sẻ: “Ngôi chùa được xây trên một quả đồi với thế tựa lưng núi – phía sau là đồi thông, rừng cây. Còn phía trước chùa là đồng ruộng lúa mênh mông.”
Ngôi chùa nằm tách biệt với không gian riêng
Ngôi chùa nằm tách biệt với không gian riêng
Chùa tách biệt hẳn với khu dân cư nên vô cùng tĩnh lặng và thanh tịnh. Vừa bước chân đến nơi là tiếng chuông gió leng keng khắp nơi, cùng với mùi hương lúa của đồng ruộng, rồi tiếng nước chảy, tiếng chim hót… ôi tất cả như một bức tranh..như một cõi thiên đường nơi hạ giới!
Lưu giữ những tinh khiết, trong lành
Lưu giữ những tinh khiết, trong lành
Tới chùa Địa Tạng Phi Lai tự Hà Nam linh thiêng, như được trở về nguyên bản, như đứa trẻ tìm về với quê hương với cội nguồn,… an yên vô cùng. Bỗng chốc mọi mệt nhọc, mọi u sầu, mọi bon chen tan biến hết, trút bỏ ngay khi ta bước đến khuôn viên ngôi chùa. Đi du lịch Hà Nam, đâu chỉ có nhà Bá Kiến, hay cá kho lòng Vũ Đại, giờ đây bạn có thể dừng chân, trải nghiệm cuộc sống tại ngôi chùa bình yên này!
Đặc biệt thanh tịnh vô ngần
Đặc biệt thanh tịnh vô ngần

Đôi nét về chùa Địa Tạng Phi Lai tự Hà Nam

Chùa Địa Tạng nằm ở thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam, trước có tên là chùa Đùng từng bị bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận, tu tạo, xây dựng và đổi tên thành Địa Tạng Phi Lai, nghĩa là Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát luôn luôn đến nơi này, cũng có thể không bao giờ đến nơi này. Lấy ý từ câu nói của vua Tự Đức khi tới đây cầu tự, lúc rời đi ngày có nói “Phi Lai” vừa là quay trở lại nhưng ‘phi’ cũng có thể là không bao giờ quay trở lại.
Ngôi chùa được trùng tu xây dựng từ chùa Đùng khi xưa
Ngôi chùa được trùng tu xây dựng từ chùa Đùng khi xưa
Chùa Đùng cũ được xây dựng từ thế kỷ 11 với quy mô 100 gian, và trong lịch sử từng được vua Trần Nghệ Tông chọn làm nơi ở ẩn còn vua Tự Đức tới đây để cầu tự.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Địa Tạng Phi Lai tựa lưng vào núi, núi mang thế ngai vàng, hai bên là tả Thanh Long – hữu Bạch Hổ, xung quanh là muôn vàn bóng thông reo. Cho đến nay, trở thành địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Hà Nam.
Địa Tạng Phi Lai tự Hà Nam có thế dựa lưng vào núi
Địa Tạng Phi Lai tự Hà Nam có thế dựa lưng vào núi
Du khách lần đầu tìm đến thăm chùa, sẽ không khỏi bất ngờ bởi phần sân trước khuôn viên chùa được trải sỏi màu trắng, ngay trước tổ đường, 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định, dạo quanh khuôn viên, nhìn những viên sỏi trắng tinh khiến lòng người trở nên thanh thoát hơn bao giờ.
Giống như bố cục của các ngôi chùa truyền thống, lớn nhất là tòa Tam Bảo. Tượng Đức Địa Tạng hiện lên sự hiền nhưng toát lên vẻ uy nghiêm, đặt trong tổng thể kiến trúc hài hòa lấy màu nâu, vàng, trắng làm chủ đạo.
Khung cảnh bao quanh xanh mướt thanh tịnh
Khung cảnh bao quanh xanh mướt thanh tịnh
Bên phải tòa Tam bảo là nhà thờ Tổ, nơi tôn nghiêm thờ 42 đời tổ sư từng trụ trì tại chùa. Ngoài ra còn có tòa điện nhỏ thờ Phật Bà Quan Thế Âm đặt giữa hồ sen, Đức Ông và Đức Thánh Hiền, khu nhà ở (dành cho Tăng ni – Phật tử ở trong chùa), khu giảng đường nơi các Tăng ni – Phật tử nghe sư trụ trì giảng đạo hàng ngày và diễn ra các khóa tu tại đây, khu nhà khách dành cho những du khách thập phương và những người tham gia các khóa tu, các trải nghiệm tại chùa.
Khô Hải - Biển Khô tại Địa Tạng Phi Lai tự
Khô Hải – Biển Khô tại Địa Tạng Phi Lai tự
Trong ngôi chùa còn lưu lại nhiều cổ vật linh thiêng và linh vật phát lộ tự nhiên mang tính lịch sử được tìm thấy trong quá trình xây dựng như:  tượng hình chim Garuda, ngói mũi hài, chân tảng hoa sen, gạch hình rồng, bia khắc đá viền công phượng và nhiều đồ gốm sứ khác…
Nhiều bảo vật cổ được tìm thấy tại chùa
Nhiều bảo vật cổ được tìm thấy tại chùa
Đến chùa Địa Tạng ngoài vãn cảnh hành hương du khách còn có thể trải nghiệm leo núi, leo theo triền núi từ phía bên phải của chùa Địa Tạng chiêm ngưỡng những hang đá cùng thảm thực vật xanh tốt. Hoặc lên đỉnh núi cao để ngắm nhìn toàn cảnh ngôi chùa ẩn mình trong rừng thông xanh và đưa mắt ra xa để thu lại vẻ đẹp của cánh đồng lúa mênh mông mướt mát, vào buổi chiều hoàng hôn rủ màu vàng trầm tích an yên.
Dừng chân và trở về cội nguồn
Dừng chân và trở về cội nguồn

Cách di chuyển đến Địa Tạng Phi Lai Tự

• Nếu xuất phát từ Hà Nội bằng xe máy, đi theo quốc lộ 1A cũ qua Thường Tín, Phủ Lý Hà Nam và theo Google Map là “Chùa Địa Tạng (chùa Đùng), Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam” là tới.
• Còn nếu du khách đi ô tô tự lái, thì đi hướng cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, rời cao tốc ở điểm Liêm Tuyền – Hà Nam, di chuyển đến quốc lộ 1A cũ đến cây xăng Kim Cường – Thanh Liêm, Hà Nam, rẽ vào Ngã Ba Xuân Trường và có thể tìm theo google map đi tiếp 5km là tới chùa.
Du khách đặt chân đến chùa Địa Tạng Phi Lai tự Hà Nam, dường như mọi muộn phiền âu lo đều tan biến, thay vào đó là cảm giác tiêu dao tự tại như đang lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh, được chìm vào không gian yên bình của núi rừng – đất trời và chốn linh thiêng trong lành.